Trẻ độ tuổi dậy thì ( 12 - 18 tuổi )

ĐỐI TƯỢNG

Nếu như 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn vàng thứ nhất đặt “viên gạch nền” cho sự phát triển toàn diện của trẻ thì tuổi dậy thì là giai đoạn vàng thứ 2 tăng tốc cho trẻ phát triển. Đây là giai đoạn trẻ có sự tăng trưởng vượt bậc về chiều cao và cân nặng kèm theo những thay đổi về tâm, sinh lý, nội tiết,… Thời điểm dậy thì ở mỗi trẻ có thể không giống nhau, tuy nhiên trung bình dấu hiệu dậy thì bắt đầu xuất hiện ở bé gái giai đoạn 8 – 13 tuổi và ở bé trai từ 9 – 14 tuổi.

Trong các yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ, tính di truyền chỉ chi phối 20%, trong khi đó dinh dưỡng, môi trường và vận động có vai trò quyết định đến 80%. Ở giai đoạn dậy thì, trẻ có thể cao từ 10 – 15cm/năm. Theo đó, từ năm 10 tuổi, chiều cao bé gái tăng trung bình 10cm/năm và tăng dần qua từng năm và đạt mức tối đa 15cm/năm lúc 12 tuổi; trong khi đó chiều cao bé trai tăng khoảng 10cm/năm từ năm 12 tuổi và đạt mức tối đa lúc 14 tuổi (15cm/năm). Vì thế, nếu không có chế độ dinh dưỡng cho tuổi dậy thì khoa học, vận động đúng cách cho trẻ trong giai đoạn này, bố mẹ sẽ bỏ lỡ cơ hội đạt đỉnh chiều cao của trẻ.”

 

THÔNG TIN CHUNG

Dấu hiệu trẻ đến tuổi dậy thì?

Theo TS.BS Phạm Thị Thu Hương, các dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu xuất hiện ở bé gái từ 8 tuổi, còn bé trai từ 9 tuổi. Vì vậy, bố mẹ cần “lắng nghe” cơ thể trẻ để phát hiện sớm những dấu hiệu này để có chế độ chăm sóc dinh dưỡng phù hợp cũng như trang bị kiến thức tâm sinh lý cùng con bước qua giai đoạn này.

Dấu hiệu tiền dậy thì ở bé gái

Ở bé gái, dấu hiệu tiền dậy thì thường xuất hiện khi bé khoảng 8 tuổi. Biểu hiện đầu tiên là mô vú bắt đầu phát triển. Lúc này, bé sẽ cảm thấy căng tức quanh vú, mô vú lớn dần.

Dấu hiệu thứ hai cho biết bé đang bước vào giai đoạn tiền dậy thì là lông ở các vùng kín như nách, mu… dần xuất hiện. Ở giai đoạn này, lông dài, mảnh và nhạt màu.

Dấu hiệu tiếp theo là sự xuất hiện của dịch âm đạo. Đây là dịch nhầy trong, không mùi, là một dấu hiệu sinh lý bình thường. Dấu hiệu này cho thấy chức năng sinh dục của trẻ đang dần hoàn thiện để có thể mang thai và làm mẹ sau này. Sau khi bé có dịch âm đạo khoảng 6 tháng, kỳ kinh đầu tiên sẽ xuất hiện. Ở giai đoạn này, bạn hãy trò chuyện với bé, cho bé biết những gì sắp diễn ra khi con đang lớn, dạy bé cách giữ vệ sinh cá nhân, cách sử dụng băng vệ sinh…

Dấu hiệu tiền dậy thì ở bé trai

Giai đoạn tiền dậy thì của bé trai chậm hơn bé gái, khoảng 9 – 11 tuổi. Lúc này, lông ở các vùng kín như nách, mu… của trẻ dần xuất hiện. Tuy nhiên, lông chưa đậm màu mà dài và mảnh. Ria mép cũng dần xuất hiện nhưng rất mảnh và thưa thớt.

Ở giai đoạn tiền dậy thì, mô vú của khoảng 50% bé trai cũng có thể phát triển khiến các bé cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, hiện tượng này thường biến mất trong vòng 6 tháng.

Dấu hiệu tiếp theo là cơ quan sinh dục của trẻ bắt đầu phát triển với biểu hiện bìu lớn dần, màu của da bìu dần trở nên sậm hơn trong khi dương vật chưa có dấu hiệu thay đổi.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi dậy thì?

Tuổi dậy thì là tiến trình phát triển tự nhiên của trẻ. Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến quá trình đó bị cản trở gây ra hiện tượng dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn ở trẻ. Hiện nay, xu hướng dậy thì sớm ngày càng gia tăng ở trẻ em, trở thành nỗi lo lắng của nhiều bố mẹ. 

Dậy thì sớm

Dậy thì sớm là hiện tượng trẻ có dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi với bé gái và 9 tuổi với bé trai. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ, chẳng hạn như:

– Giới tính: bé gái có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn bé trai
– Thừa cân – béo phì: Nếu con bạn thừa cân – béo phì, bé có nguy cơ dậy thì sớm cao
– Hormone giới tính: Việc tiếp xúc với estrogen hay testosterone qua kem, thuốc mỡ hoặc các chất khác có chứa hormone sinh dục (như thuốc người lớn, chế độ ăn uống) có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ.
– Trẻ mắc một số bệnh: Dậy thì sớm có thể là biến chứng của hội chứng tăng sản thượng thận bẩm sinh – bệnh liên quan đến sản xuất bất thường các kích thích tố nam (androgen) hoặc do suy giáp gây ra.
– Bức xạ trị liệu tác động lên hệ thống thần kinh trung ương: việc xạ trị các khối u, ung thư máu hoặc các can thiệp tương tự có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.
– Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: TS.BS Phạm Thị Thu Hương cảnh báo, các loại thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên… được chế biến ở nhiệt độ cao sẽ bị biến đổi chất, gây rối loạn nội tiết ở trẻ và dẫn đến cơ thể dậy thì sớm hơn. Bên cạnh đó, trẻ ăn nhiều protein động vật (thịt lợn siêu nạc), làm tăng hormone tăng trưởng IGF-1, tác động đến quá trình tạo tín hiệu estradiol, hormone hình thành buồng trứng khiến tuổi dậy thì đến sớm. Ngoài ra, tình trạng phụ huynh lạm dụng thuốc bổ cho trẻ cũng làm thay đổi quá trình bài tiết của cơ thể, gây ra hiện tượng dậy thì sớm.

Dậy thì muộn 

Dậy thì muộn là tình trạng cơ thể của trẻ có những thay đổi muộn hơn so với độ tuổi dậy thì. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân:

– Gen di truyền: khi trong gia đình có bố mẹ, cô dì chú, anh chị em ruột, hoặc anh em họ (gần) chậm dậy thì. Với trường hợp này thì không cần biện pháp can thiệp. Trẻ sẽ phát triển sau so với bạn cùng tuổi và không ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển chung của cơ thể cũng như khả năng sinh sản.
– Tuyến yên hoặc tuyến giáp – các tuyến sản xuất hormon quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể gặp vấn đề.
– Trẻ mắc một số bệnh mạn tính như: đái tháo đường, bệnh thận, hoặc hen suyễn… vì những bệnh này có thể làm chậm quá trình phát triển của cơ thể.
– Chế độ dinh dưỡng: Trẻ suy dinh dưỡng cũng có thể phát triển muộn hơn những trẻ có một chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất. Trường hợp ăn không đủ bữa, biếng ăn, rối loạn ăn uống hay thường xuyên áp dụng chế độ giảm cân quá mức cũng khiến cơ thể không thể phát triển với tốc độ bình thường được. Đó là lý do khiến trẻ dậy thì muộn hơn.

Trẻ dậy thì sớm hay muộn không chỉ cản trở quá trình phát triển chiều cao mà còn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đột quỵ, ung thư… sau này. Vì thế, việc theo dõi, kiểm tra sức khỏe dinh dưỡng định kỳ cho trẻ là cách phát hiện sớm những rối loạn tăng trưởng ở trẻ để điều chỉnh kịp thời. Hơn nữa, nếu được chăm sóc dinh dưỡng chuyên biệt đúng thời điểm, trẻ có thể phát triển chiều cao vượt trội trong tương lai.

Tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng cao cấp Tonic Pharma, quy trình khám, tư vấn và điều trị dinh dưỡng cho trẻ tiền dậy thì và dậy thì được xây dựng khoa học từ việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, xây dựng khẩu phần đến lên thực đơn cá thể hóa và hướng dẫn chế biến món ăn khoa học, giúp bố mẹ chăm sóc trẻ đúng cách để con phát triển tối ưu.

 

 

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng